Khuyến cáo các biện pháp cơ bản trong công tác PCCC và thoát nạn đối với công trình nhiều tầng

Trong thời gian qua, tình hình cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung diễn ra phức tạp, liên tiếp xảy ra những vụ cháy để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, các vụ cháy liên quan đến các công trình nhiều tầng làm hư hỏng nhiều tài sản, bị thương và chết nhiều người khiến dư luận hoang mang, lo lắng đồng thời gióng lên hồi chuông cảnh báo nguy cơ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng về người mặc dù xảy ra vào ban ngày.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp thông tin, tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, các ngành để chỉ đạo thực hiện công tác an toàn phòng chống cháy nổ nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân còn chủ quan chưa thực sự chú trọng công tác PCCC, dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ không được kiểm soát kịp thời gây hậu quả nghiêm trọng.

PCCC và thoát nạn đối với công trình nhiều tầng
PCCC và thoát nạn đối với công trình nhiều tầng

Từ thực trạng đó, Phòng Cảnh sát PCCC và thoát nạn – Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo một số biện pháp trong công tác phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn đối với công trình nhiều tầng như sau:

Một là, đối với chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà:

– Có nội quy PCCC phù hợp với từng khu vực và có tính pháp lý, các nội quy phải được niêm yết tại các khu vực có nguy hiểm cháy nổ để người dân biết, thực hiện. Nội quy PCCC phải được quán triệt, phổ biến đến 100% CBCNV làm việc tại tòa nhà và 100% người dân sinh sống trong tòa nhà.

– Có quyết định thành lập Ban Chỉ huy PCCC và đội PCCC cơ sở, lực lượng này phải được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, thường trực sẵn sàng chữa cháy và phải vận hành thành thạo hệ thống PCCC đã được trang bị tại tòa nhà.

– Xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn, cứu người tại tòa nhà theo nhiều tình huống, trong đó có tình huống cháy phức tạp nhất. Phương án phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phổ biến cho toàn thể mọi người sống và làm việc trong tòa nhà biết. Định kỳ hàng năm tổ chức thực tập phương án chữa cháy tối thiểu 1 lần.

– Khi sử dụng xăng dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác phải hạn chế tối đa số lượng và thực hiện đầy đủ các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

PCCC và thoát nạn đối với công trình nhiều tầng
PCCC và thoát nạn đối với công trình nhiều tầng

– Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa và các khu vực có hàn cắt kim loại phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC, bố trí phương tiện chữa cháy và giải pháp ngăn cháy lan.

– Lắp đặt thiết bị bảo vệ (aptomat) cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị sinh nhiệt.

– Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy làm trần, mái, vách ngăn, cách âm… Rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.

– Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống phải làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín các lỗ thông bằng vật liệu không cháy.

– Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan.

hệ thống báo cháy
hệ thống báo cháy

– Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động hoặc bán tự động đảm bảo chữa cháy trên toàn bộ diện tích; trong quá trình sử dụng phải thường xuyên kiểm tra và định kỹ bảo dưỡng các hệ thống này đảm bảo hoạt động tốt.

– Thiết kế lắp đặt hệ thống chống sét, định kỳ hàng năm đo điện trở tiếp đất của hệ thống chống sét đảm bảo an toàn theo quy định.

– Lối thoát nạn phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Có đủ cầu thang, hành lang thoát nạn, phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn.

+ Không để các vật dụng trên hành lang, cầu thang, buồng thang làm cản trở thoát nạn.

+ Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. (Chú ý: Các cửa này phải luôn trong trạng thái đóng; tại một số nhà, người dân thường chặn cửa để cửa trong trạng thái mở nhằm thuận lợi trong quá trình sinh hoạt, đây là điều rất nguy hiểm khi có cháy xảy ra. Vì vậy, các ban quản lý tòa nhà phải thường xuyên kiểm tra khắc phục tình trạng này).

+ Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn.

-Trang bị phương tiện chữa cháy, phương tiện phá dỡ và cứu hộ cứu nạn tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy.

– Cơ quan quản lý tòa nhà phải có phương án giải tỏa đảm bảo hành lang giao thông xung quanh tòa nhà thông thoáng để xe thang, xe chữa cháy có thể tác nghiệp thuận lợi đáp ứng yêu cầu chữa cháy, cứu hộ khi có tình huống cháy nổ xảy ra. Luôn có vị trí dự phòng cố định cho xe thang tiếp cận tòa nhà, công trình một cách an toàn.

– Đối với những tòa nhà có hệ thống thu rác không đảm bảo an toàn (vật liệu làm hệ thống không phải là vật liệu không cháy) đề nghị chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà tạm dừng hoạt động của hệ thống, gom rác thủ công theo từng tầng. Khi nào khắc phục xong hệ thống mới cho hoạt động trở lại.

– Đơn vị quản lý tòa nhà hướng dẫn cho những người sinh sống và làm việc tại tòa nhà ký cam kết việc thực hiện các yêu cầu về PCCC và thoát nạn như không sử dụng lửa tại khu vực công cộng, không bỏ các vật dễ cháy, quá cồng kềnh và nguồn nhiệt vào ống thu rác, không sử dụng quá nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm…

– Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng Cảnh sát PCCC (Số điện thoại 114), báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền sở tại, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

Hai là, đối với tổ chức, cá nhân sống và làm việc trong tòa nhà:

 Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu, nơi có nhiều thiết bị tiêu thụ điện. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt và các chất lỏng dễ cháy ở trong nhà. Nơi đun nấu phải có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Có biện pháp chống động vật cắn thủng ống dẫn gas, khi đun nấu xong phải tắt bếp và đóng van xả gas.

– Không sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn nhằm hạn chế cháy lan.

– Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi, không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, tâm thần sử dụng các thiết bị điện.

– Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ phải bằng vật liệu không cháy. Đèn, hương nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy, cách xa vật liệu dễ cháy, hạn chế tối đa vàng mã, hương nến trên bàn thờ. Không hóa vàng mã trong nhà.

– Không lắp thêm lồng sắt, lưới sắt ở lan can. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa chốt trong và không được khóa. Chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây thả chậm để thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

– Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết.

– Xe để dưới tầng hầm phải sắp xếp gọn gàng, tắt hết thiết bị điện lắp thêm trên xe khi đã ra khỏi xe. Xe máy không được khóa cổ khóa càng, ô tô không được cài phanh tay. Thường xuyên kiểm tra để phát hiện rò rỉ nhiên liệu từ các xe. Tuyệt đối tuân thủ các quy định về cấm sử dụng lửa, hút thuốc dưới tầng hầm.

– Không để các vật dụng, hàng hóa, phương tiện che chắn, cản trở lối vào nơi để các phương tiện chữa cháy cản trở hành lang, cầu thang thoát nạn.

Ba là, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra

* Xác định đường, lối thoát nạn an toàn

Đèn Exit Kentom
Đèn Exit Kentom

– Di chuyển trên hành lang, vào buồng thang theo biển chỉ dẫn ký hiệu “EXIT” đến nơi an toàn.

– Chỉ được dùng thang bộ, tuyệt đối không được dùng thang máy để thoát nạn.

– Trên đường di chuyển thoát nạn cần thông báo bằng cách gõ cửa, hô hoán và nhấn nút báo cháy khẩn cấp để mọi người trong tòa nhà biết.

– Hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thoát nạn, lưu ý giúp đỡ người già, trẻ em và phụ nữ mang thai.

– Trường hợp khói, lửa bao trùm cửa chính ra vào căn hộ và hành lang, nhanh chóng đóng cửa và có biện pháp ngăn khói, lửa lan truyền vào căn hộ. Sử dụng điện thoại nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC và thoát nạn theo số 114; di chuyển ra vị trí cửa sổ, ban công hô to và dùng áo, khăn, vật sáng màu để thu hút sự chú ý.

* Kỹ năng di chuyển an toàn trong PCCC và thoát nạn

– Kỹ năng mở cửa: Trước khi mở cửa, chú ý quan sát xung quanh, kiểm tra nhiệt độ cánh cửa, tay nắm cửa. Nếu không thấy khói, lửa, nhiệt độ không nóng, cúi thấp người, mở cánh cửa một cách từ từ để thoát ra khỏi phòng.

– Kỹ năng di chuyển an toàn:

+ Tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy có thể dẫn đến chấn thương và nguy hiểm đến tính mạng nhiều người.

+ Nếu phải đi qua các khu vực bị khói bao phủ, cần hạ thấp trọng tâm kết hợp sử dụng mặt nạ phòng khói hoặc  khăn, vải mềm thấm ướt bịt vào mũi để hạn chế hít phải khói, khí độc.

Mặt nạ phòng khói
Mặt nạ phòng khói

+ Trường hợp bắt buộc phải băng qua lửa, sử dụng chăn chiên, áo khoác dày … thấm ướt nước, trùm lên người rồi thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm.

+ Trường hợp bị lửa tác động dẫn đến bén cháy quần áo, nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực đám cháy rồi dừng lại, nằm xuống đất (hoặc sàn), lấy hai tay che mặt và lăn qua lăn lại cho đến khi ngọn lửa được dập tắt.

Lưu ý:

– Tuyệt đối không được chèn cửa vào buồng thang thoát nạn.

– Tuyệt đối không để các vật dụng che, chắn trên hành lang và cửa vào buồng thang thoát nạn.

Dưới đây là một số biện pháp thoát nạn chung cư, nhà cao tầng.

Nguồn: CA PCCC TP. HCM.

Công ty An Phúc địa chỉ chuyên cung cấp các thiết bị PCCC, thoát hiểm, thoát nạn: chất lượng, giá cả hợp lý, giao hàng toàn quốc.

CÔNG TY TNHH AN PHÚC

ĐC: 59 Xuân Hồng, Phường 12, Quận Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh

(Đường phía sau trung tâm triển lãm Hoàng Văn Thụ – Tân Bình)

Email: kinhdoanhanphuc@gmail.com

Hotline : 0913.801.891 hoặc 0938.100.114

Website:

www.pcccanphuc.com – www.anphucpccc.com

– www.pcccanphuc.vn – www.baoholaodonganphuc.com